Blog Archive

Hình ảnh chủ đề của Storman. Được tạo bởi Blogger.

Categories

Text Widget

Translate

Facebook

Popular Posts

Pages

Subscribe Via Email

Subscribe to our newsletter to get the latest updates to your inbox. ;-)

Your email address is safe with us!

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

Bán lẻ truyền thống “vượt” kênh hiện đại

Nhiều người cho rằng việc ra đời và phát triển nhanh của kênh bán lẻ hiện đại đang “giết” dần các cửa hàng truyền thống. Thế nhưng, báo cáo “Người mua hàng hay nhà bán lẻ - cần tập trung vào ai tại điểm bán?” của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho thấy tăng trưởng của kênh thương mại truyền thống nhanh hơn kênh hiện đại đến 5,4% trong năm qua.

Cửa hàng truyền thống vẫn có thế mạnh

Hơn bốn năm nay, cứ mỗi cuối tuần, chị Mỹ Hà ở quận Phú Nhuận, TPHCM có thói quen đến siêu thị mua hàng loạt sản phẩm thiết yếu cho gia đình nhưng riêng sữa bột, tã lót hay bột ăn dặm... cho con nhỏ thì chị chọn mua ở các cửa tiệm tạp hóa hoặc các đại lý chuyên bán các mặt hàng này. Chị Hà chia sẻ, trước đây mỗi lần đi siêu thị, tiện thể chị mua cả đồ dùng cho con. Một lần không kịp mua sữa và tã, chị ra cửa hàng tạp hóa gần nhà thì phát hiện hộp sữa bột mà lâu nay chị mua ở siêu thị đắt hơn những nơi này từ 40.000-50.000 đồng, còn bịch tã lớn thì đắt hơn từ 10-15%. Ngay cả lúc siêu thị có chương trình khuyến mãi, giá bán những sản phẩm này của siêu thị vẫn cao hơn từ 3-7%. Đó là chưa kể, các cửa hàng chị thường mua lưu số điện thoại, tích lũy điểm mua hàng, thông tin cho chị các chương trình khuyến mãi tặng quà của các nhãn hàng mà chị hiếm thấy ở các kênh bán lẻ hiện đại. Một điểm đáng chú ý nữa là chủ các cửa hàng sẵn sàng hỗ trợ giao hàng miễn phí đến tận nhà.

Bà Sáu Thuận, có cửa hàng tạp hóa bán tại nhà trong một con hẻm lớn ở đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận chia sẻ: nhiều cửa hàng lớn gắn đèn sáng choang, máy lạnh mát rượi, trưng bày bắt mắt, mở cửa suốt ngày lẫn đêm (cửa hàng tiện lợi - PV) với “tên Tây, tên Tàu” nhưng khi so với nhiều mặt hàng cùng thương hiệu tại cửa hàng bà bán thì giá của họ cao hơn ít nhất 10%. Nhiều nhà cung cấp trước đây không mấy quan tâm nhiều đến cửa hàng bà do nằm trong hẻm giờ cũng gửi hàng đều đặn để bà bán, trong đó có các thương hiệu uy tín, kể cả hàng trứng gia cầm, bún tươi...Điều này làm cho hàng hóa của bà ngày càng phong phú và uy tín hơn. Hàng hóa phần lớn được các đơn vị phân phối ký gửi nên bà cũng không lo việc thiếu vốn để kinh doanh. 

Bà Thuận tin rằng các cửa hàng tạp hóa như cửa hàng mình vẫn có thể cạnh tranh về giá cũng như cách phục vụ với những cửa hàng tiện lợi hiện đại hoặc các siêu thị lớn đang ngày càng mở rộng điểm bán, khách quen hoặc hàng xóm ở khu phố bà ở sẽ không bỏ bà mà đi. Theo báo cáo của Công ty Nielsen Việt Nam, trong một thập kỷ qua, lần đầu tiên kênh bán lẻ truyền thống tăng trưởng nhanh hơn kênh thương mại hiện đại (hơn đến 5,4%). Hiện kênh bán lẻ truyền thống chiếm hơn 85% doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh, tương đương với gần 10 tỉ đô la Mỹ.



Không thể bỏ qua kênh bán hàng truyền thống

Dù đang có sự dịch chuyển mua sắm từ chợ, cửa hàng tạp hóa vào cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhưng nhìn một cách tổng thể, số lượng cửa hàng tạp hóa và chợ trong nước vẫn còn rất lớn, do đó, chi tiêu ở kênh mua sắm truyền thống này vẫn cao. 

Theo các chuyên gia bán lẻ, số siêu thị, cửa hàng hiện đại có tăng nhưng không nhiều như cửa hàng truyền thống do thị trường trong nước còn có hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn, kênh bán hàng hiện đại vẫn chưa thể vươn tới được. Ngay cả ở các đô thị lớn, một bộ phận dân cư, số đông là người lớn tuổi, bà nội trợ vẫn chọn cửa hàng tạp hóa, kể cả chợ, là kênh mua sắm thường xuyên do hai kênh này có tính tiện lợi riêng như gần nhà, mua sắm không phải gửi xe và kể cả có thể thiếu nợ...

Các chuyên gia trong ngành bán lẻ cũng cho rằng các cửa hàng tạp hóa quy mô nhỏ vẫn có sức sống riêng bởi sự hiện diện gắn chặt với thói quen mua nhanh, bán nhanh, di chuyển quãng đường ngắn của cư dân... Do đó, cửa tiệm tạp hóa sẽ không chết mà sẽ tồn tại song song với các cửa hàng tiện lợi, siêu thị và đại siêu thị. 

Có một điều là sự phát triển nhanh của kênh bán lẻ hiện đại đòi hỏi các hộ kinh doanh cá thể, chủ cửa tiệm tạp hóa cũng phải thay đổi về cung cách phục vụ, không nói thách, bán hàng uy tín và chất lượng để tồn tại và thậm chí có thể tăng trưởng tốt nếu biết cách giữ chân “thượng đế”. Bởi lẽ, các cửa hàng nhỏ có những điểm mạnh như tận dụng mặt bằng tại nhà, ít thuê lao động... dẫn đến chi phí thấp, nên giá bán rất cạnh tranh so với các kênh bán lẻ hiện đại. Điều này đã khiến các nhà sản xuất phải điều chỉnh chiến lược quay trở lại với kênh bán lẻ truyền thống.

Báo cáo của Nielsen Việt Nam cũng chỉ ra một “nghịch lý”, rằng kênh bán lẻ truyền thống ở Việt Nam mang lại doanh thu lớn nhất cho nhà sản xuất nhưng các nhà tiếp thị, quản lý nhãn hàng lại thường xem nhẹ hoặc bỏ qua kênh bán hàng này. 

Theo quan sát của ông Vaughan Ryan, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam, trong một thị trường có đến hơn 1,3 triệu cửa hàng kinh doanh truyền thống như Việt Nam, để đưa sản phẩm vô tất cả các cửa tiệm là một thách thức. Các nhà sản xuất - kể cả nhà sản xuất lớn có đội ngũ bán hàng hùng mạnh cũng không thể khai thác hết cơ hội. Các nhà sản xuất lớn cũng chỉ có mặt ở 30% cửa hàng. Nghiên cứu gần đây của Nielsen đã cho thấy, sự có mặt tại 30% cửa hàng này đóng góp đến 80% tổng doanh số của ngành hàng tiêu dùng nhanh tại thị trường Việt Nam.

Nielsen phát hiện ra rằng các nhà bán lẻ tạp hóa rất có sức mạnh trong việc tác động đến quyết định mua hàng. Ngoài gia đình và bạn bè thì nhà bán lẻ là một nguồn thông tin tham khảo quan trọng tác động đến việc mua sản phẩm của người mua hàng. 

Báo cáo của Nielsen còn phát hiện “Thông thường, các nhà sản xuất sử dụng các chương trình khuyến mãi để tạo sự chú ý với người tiêu dùng tại điểm bán nhưng chỉ 2% người tiêu dùng nhận biết các chương trình khuyến mãi hiện có khi đến mua hàng tại cửa hàng tạp hóa và chỉ 1% nhà bán lẻ đề cập về các chương trình khuyến mãi đến với người mua hàng ngay tại cửa hàng”.

Bên cạnh đó, chỉ 10% nhà bán lẻ giới thiệu sản phẩm thay thế cho các sản phẩm đang hết hàng. Điều này gây ra mất mát cho cả nhà bán lẻ và nhà sản xuất khi để vuột đi cơ hội tăng doanh số cho mình. Ngoài ra, cũng chỉ có 10% nhà bán lẻ nói về các sản phẩm mới khi người mua hàng đến cửa tiệm. 

Vì vậy, việc nhà sản xuất xây dựng và duy trì mối quan hệ chặt chẽ đối với các nhà bán lẻ này sẽ giúp họ thành công trong tương lai.

0 on: "Bán lẻ truyền thống “vượt” kênh hiện đại"